Tăng năng suất và chất lượng
Giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía Bắc; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực như: Cao su, hồ tiêu, cam, quýt, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa,...
Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh đạt trên 150ha (tăng 15% so với năm 2016); tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 5.345,3ha (tăng gấp 03 lần so với năm 2016) với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh,…
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.
Tính tới nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 469ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 01 tỷ đồng/ha/năm.
Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương đang khởi sắc
Anh Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kim Long cho biết, anh bắt đầu tham gia trồng trọt từ năm 2013 với việc trồng rau công nghệ cao, song thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật canh tác. Sau nhiều lần thử nghiệm và đưa sản phẩm dưa lưới ra thị trường thành công, năm 2016, anh Quyết quyết định thành lập HTX Kim Long. Đến nay, HTX Kim Long đã có 45 thành viên với 12 ha nhà kính trồng dưa lưới công nghệ cao; 1 ha nhà kính trồng rau ăn lá và chăn nuôi khoảng 200 con heo rừng lai. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kính nên sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Năm 2019, HTX đã cung ứng ra thị trường 600 tấn dưa lưới và ước lượng năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 800 tấn. Doanh thu năm 2019 đạt 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện đối tác chính của HTX là hệ thống các siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh và chuỗi siêu thị minimart.
"Nếu so với trồng cao su và điều thì thu nhập từ trồng dưa lưới tính trên 1 ha cao gấp hàng chục lần.Nhờ ứng dụng công nghệ cao đã giảm thiểu nhiều rủi ro ảnh hưởng từ dịch bệnh, khí hậu, năng suất tăng lên 30% so với canh tác truyền thống. Các hộ nông dân trong HTX đa số trước đây là công nhân cạo mủ cao su, từ khi chuyển qua làm việc tại HTX Kim Long đã có thể linh hoạt được thời gian và kiếm được lợi nhuận dao động từ 500-600 triệu đồng/năm/hộ (trên khoảng 3.000m2 đất)", anh Quyết chia sẻ.
Các mặt hàng nông sản và trái cây của Bình Dương được đánh giá cao
Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định với 142 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,3 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn 517 ngàn con; chăn nuôi vịt thịt có 15 trại với số lượng 205 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 02 trang trại với quy mô đang nuôi 819 con. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như: Máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm,… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng tầm thương hiệu nông sản
Cùng với việc xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, từng bước sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.
Đến nay, Bình Dương đã có 04 Khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).
Trong đó, nổi bật là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Unifarm) do Công ty cổ phần đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích thực hiện dự án là 411,75ha.
Sau thời gian chọn lọc thử nghiệm, Unifarm đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng có lợi thế so sánh, hiệu quả kinh tế cao như chuối, dưa lưới, cây có múi, nhãn với mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Unifarm đã trồng thử nghiệm cây bơ chịu nhiệt do Viện cây ăn quả miền Nam chọn lọc với diện tích 1,95 ha. Các sản phẩm của Unifarm, đặc biệt là chuối đã xuất khẩu sang Malaysia, các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, Công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn trong nước như Saigon Co.op, Big C, Aeon, Lotte...; hiện sản phẩm của Unifarm đã có mặt hầu hết các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc.
Mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP của Unifarm
Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm - một trong những người tiên phong áp dụng công nghệ mới vào phát triển nông nghiệp tỉnh nhà chia sẻ, bằng nỗ lực và sự quyết tâm, Unifarm đã tự mình khai thông, mở lối đi mới, có những chuyến đi tìm hiểu về nông nghiệp tại Israel, Đài Loan, Nhật Bản và mời những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực nông nghiệp tư vấn và làm việc cho Unifarm. Những loại cây Unifarm chọn là những loại cây mà Israel trồng có năng suất và chất lượng tốt hàng đầu thế giới, bao gồm: Ớt chuông, cà chua, dưa lưới, cà tím, măng tây… Ngay vụ trồng đầu tiên, Unifarm đã trở thành đơn vị đầu tiên cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với những sản phẩm kể trên. Sau một thời gian phân phối ra thị trường, Unifarm đã quyết định mở rộng quy mô trồng dưa lưới. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, Unifarm đã phát triển thành công một số mô hình cây trồng khác, mà chuối là một trong số đó.
Ông Liêm cho biết thêm, ngay từ đầu tham gia vào ngành này, Unifarm luôn chú trọng yếu tố chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, qua đó, sản phẩm của Unifarm đạt tiêu chuẩn để tiêu thụ tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Vườn chuối và sản phẩm chuối công nghệ cao của Unifarm
Đối với sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, điển hình có Công ty Cổ phần Vinamit đầu tư phát triển 150 ha nông sản các loại như mít, chuối, rau các loại,... được cấp chứng chỉ Canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Cộng đồng liên minh các nước châu Âu).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 01 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500 ngàn quả/ngày. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5 ha) với tổng đàn 300 ngàn con gà đẻ và 95 ngàn con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm. Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao là 471,81ha; tổng đàn bò sữa của Công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác khoảng 199.771 kg/tháng. Mô hình chuồng trại được thiết kế theo công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn; thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa,…
Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư tại thị xã Tân Uyên