TW Hội NDVN: Giúp hội viên, nông dân học tập, nghiên cứu các mô hình làm ăn hiệu quả qua Internet (16/01/2019)
TW Hội NDVN: Giúp hội viên, nông dân học tập, nghiên cứu các mô hình làm ăn hiệu quả qua Internet
Sáng ngày (15.1), tại Hà Nội, Ban quản lý dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên Hội NDVN” đã tổ chức Hội thảo tổng kết đánh giá hoạt động dự án năm 2018 và lập kế hoạch hoạt động năm 2019.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo
|
Năm 2018, dự án đã triển khai Hợp phần 1 “Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên Hội NDVN”. Trong đó, dự án đã tổ chức 60 lớp tập huấn tại cơ sở về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho 1.525 người, số hội viên được chia sẻ kiến thức 1.919 người. Thành phần học viên gồm các lãnh đạo địa phương, cán bộ Hội ND cấp xã, huyện, thành viên các tổ hợp tác, HTX… Tổ chức 11 chuyến kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động tổ chức khóa tập huấn và sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với Internet tại 09 tỉnh tham gia dự án.
Trong Hợp phần 2 “Thúc đẩy khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cũng như trong sản xuất kinh doanh và đời sống”, dự án đã thành lập được 64 CLB ngoại tuyến với 1.056 thành viên, nâng tổng số CLB ngoại tuyến đến nay đạt 130 CLB với 4.474 thành viên; 61 CLB trực tuyến với 1.203 thành viên, nâng tổng số CLB trực tuyến đến nay đạt 126 CLB với 2.372 thành viên.
Dự án còn tổ chức các Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet với 171 cán bộ, hội viên, nông dân cấp tỉnh là đại diện Ban quản lý dự án Trung ương, tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh, Chủ tịch Hội ND huyện, xã đã tổ chức tập huấn và Chủ nhiệm, thành viên của các CLB nông dân với Internet tại 03 tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, Nghệ An.
Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và kinh doanh nông sản tại nông trường Vineco – Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho 40 đại biểu đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án tỉnh, các giảng viên của tỉnh, cán bộ Hội ND xã tham gia dự án, hội viên, nông dân là thành viên của các CLB ngoại tuyến.
Sau 02 năm triển khai thực hiện dự án, đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Dự án được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của cán bộ, hội viên, nông dân các cấp nên triển khai thuận lợi. Nhiều hội viên, nông dân sau khi tham gia tập huấn xong đã chủ động mua máy tính, điện thoại thông minh. Các CLB được thành lập tiếp tục được duy trì và sinh hoạt theo định kỳ, các thành viên mới trong CLB đã có sự gia tăng. Một số CLB các thành viên sau khi tra cứu, tìm hiểu trên mạng đã áp dụng vào trong sản xuất như mô hình nuôi Cua Đinh, nuôi Dê, quảng bá và bán sản phẩm trên mạng…
Trong quá trình triển khai dự án, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai, đồng thời tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ kinh phí đối ứng. Tiêu biểu như cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Hội ND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số sở, ngành liên quan để cung cấp thông tin liên quan đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh trên Cổng TTĐT của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tại Lâm Đồng, cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn có chủ trương, gợi ý, có thể tận dụng từ nguồn kinh phí cấp cho hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở để sinh hoạt CLB Nông dân với Internet, đồng thời tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hội trường có máy tính kết nối Internet tại trụ sở UBND xã, thị trấn để CLB sinh hoạt. Từ năm 2017 đến 2019, UBND tỉnh Bình Phước đồng ý cấp ngân sách mỗi năm 200 triệu đồng, ngoài ra hỗ trợ hội trường, máy tính… cho các CLB sinh hoạt định kỳ…
|
Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND Nghệ An Trần Văn Hường
chia sẻ tại hội thảo
|
Năm 2019, dự án tiếp tục tổ chức tập huấn về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên, nông dân tại các địa bàn đã lựa chọn; duy trì các CLB trực tuyến, ngoại tuyến đã thành lập, tiếp tục thành lập các CLB mới; hoàn thiện trang web học tập, chia sẻ kinh nghiệm của dự án; tổ chức cuộc thi nông dân với Internet; truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân…
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, anh Nguyễn Văn Bằng - Chủ nhiệm CLB Nông dân với Internet xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) cho biết: CLB được thành lập với 36 thành viên, chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm có 01 nhóm trưởng. Ban Chủ nhiệm CLB có 03 người, sinh hoạt 1 lần/tuần, mỗi lần 1 nhóm. Sau hơn 3 tháng hoạt động, CLB đã giúp các thành viên biết sử dụng máy tính, máy in, điện thoại thông minh, khai thác các ứng dụng như: Google Gmail, Google Drive, Hangouts và các ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Messenger…Nhờ tham gia CLB mà nhiều thành viên đã biết cách học tập, nghiên cứu các mô hình làm ăn hiệu quả, có ý thức tự giác liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo các mô hình kinh tế tập thể. Trong thời gian tới, Hội ND xã sẽ thành lập các tổ hợp tác, chi Hội nghề nghiệp như: Tổ hợp tác nuôi chim yến, Tổ hợp tác chăn nuôi bò, dê, Tổ hợp tác trồng rau sạch, chi Hội nghề trồng cây ăn trái, chi Hội nghề chăn nuôi heo…
Hiện nay CLB đã tiến hành lập các nhóm Zalo cho các chi Hội và Ban Chấp hành Hội cơ sở, trang tin Facebook của Hội cơ sở, nhóm Facebook của hội viên, nông dân của Hội cơ sở để trao đổi thông tin và chia sẻ những bài viết hay, mô hình làm ăn hiệu quả cho hội viên nghiên cứu học hỏi. Bước đầu CLB đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Anh Nguyễn Văn Bằng cũng kiến nghị đối với Ban quản lý dự án Google của tỉnh cần tiếp tục mở rộng mô hình hoạt động của CLB trên toàn tỉnh và gắn hoạt động của CLB với hoạt động của công tác Hội.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu Phạm Tuấn Tài cho biết: Qua 2 năm triển khai dự án, nông dân rất tích cực tham gia CLB Nông dân với Internet, quan tâm tìm kiếm, học hỏi cách sử dụng Internet. Một bộ phận nông dân nhà có máy tính, nhờ dự án họ đã biết tìm kiếm thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường trên Internet… phục vụ đời sống hàng ngày. Qua sinh hoạt chi, tổ Hội hàng tháng, các cán bộ Hội cũng lồng ghép kiến thức, ứng dụng Internet vào tuyên truyền, giúp bà con nông dân tìm kiếm thông tin trên Internet để học hỏi, nhân rộng các mô hình sản xuất của mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND Nghệ An Trần Văn Hường đề xuất sau khi kết thúc dự án năm 2019, Trung ương Hội nên có công văn báo cáo kết quả, hiệu quả dự án và đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo xây dựng dự án tiếp nối, hỗ trợ kinh phí để tiếp tục phát huy các kết quả dự án này. Đồng thời xây dựng chương trình giao lưu, học hỏi, tham quan mô hình của các CLB trong 9 tỉnh tham gia dự án.
Nguồn:hoinongdan.org.vn