THỊ TRẤN DẦU TIẾNG PHÁT TRIỂN NGHỀ TRỒNG KIỂNG LÁ (07/01/2019)
THỊ TRẤN DẦU TIẾNG PHÁT TRIỂN NGHỀ TRỒNG KIỂNG LÁ
Thị trấn Dầu Tiếng là trung tâm của huyện Dầu Tiếng, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội tương đối nhanh, hạ tầng kỹ thuật phát triển bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Năm 2015 Huyện đã được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Dương. Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân thị trấn Dầu Tiếng đã hình thành nhiều mô hình mới trong đó có mô hình trồng cây kiểng lá, bước đầu đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ hội viên nông dân tham gia mô hình.
Tổ hợp tác Lá kiểng Khu phố 4A thị trấn Dầu Tiếng được thành lập vào năm 2016 với 4 thành viên do bà Nguyễn Thị Mùi, sinh năm 1957, ngụ tại khu phố 4A thị trấn Dầu Tiếng làm Tổ trưởng. Với số vốn ban đầu của tổ hợp tác là 160 triệu đồng, qui mô 2.000 m2, gồm các chủng loại như: 2.000 cây trúc đốm, 500 gốc nguyệt quế, 300 cây bách hợp, 10 kg đinh lăng. Đến nay tổ hợp tác đã phát triển khá nhanh cụ thể: 14.000 cây trúc đốm, 2.000 gốc nguyệt quế, 500 cây bách hợp, 1000 kg đinh lăng, ngoài ra tổ hợp tác còn phát triển thêm các loại khác như: cọ, cao vàng, phát tài, thủy trúc, lưỡi rắn, huyết dụ, tùng thơm, … Đây là một số giống kiểng lá thích hợp với vùng đất ở thị trấn Dầu Tiếng, ưa bóng râm, nền đất cát pha tơi xốp, thoát nước tốt kết hợp bón phân hữu cơ cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 03 tháng đã cho thu hoạch. Mô hình này phù hợp với những hộ nông dân tận dụng khoảng đất trống trong vườn nhà, đất vườn cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản, tận dụng lao động nhàn rỗi, người lớn tuổi cũng có thể tham gia mô hình. Hiện tại thu nhập bình quân mỗi người từ 5-7 triệu đồng/ tháng.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương
tham quan mô hình lá kiểng tại thị trấn Dầu Tiếng
Đây là mô hình hiện đang mở ra hướng làm ăn mới cho hội viên nông dân ở địa phương. Sản phẩm kiểng lá hiện tại được tiêu thụ tại các shop hoa trong và ngoài huyện, tiềm năng tiêu thụ, nhu cầu về kiểng lá cho ngành cắm hoa còn rất lớn, tổ hợp tác mong muốn được các ngành chức năng và tổ chức hội tạo điều kiện thuận lợi để thành lập hợp tác xã và tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương để tiếp tục phát triển mô hình giúp nông dân cải thiện đời sống, tăng thu nhập góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.
Thành Quang – Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương