Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng (27/11/2018)
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng
Đó là chủ đề Hội thảo chuyên đề 1 của Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo
Chủ trì Hội thảo có Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Tham dự Hội thảo còn có Đại sứ Israel tại Việt Nam, kiêm nhiệm Lào Nadav Eshcar; Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Alexandre Bouchot cùng đại diện Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định: Thực tiễn đã chỉ ra một nền nông nghiệp vững mạnh có thể là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo môi trường cần thiết cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hội nghị tổng kết đã cho thấy rõ chủ trương đúng đắn của Đảng, không chỉ đánh giá kết quả mà quan trọng là rút ra bài học, kinh nghiệm, định hướng cho tương lai với những thời cơ thách thức mới.
Nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân
Tham luận tại Hội thảo với nội dung “Nâng cao vị thế, vai trò và đời sống của nông dân gắn với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại”, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi để hội nhập nhanh với nền kinh tế quốc tế, không giống như các ngành sản xuất khác có thể dễ dàng chuyển đổi phương thức sản xuất thì ở ngành nông nghiệp, sự chuyển dịch từ truyền thống lên hiện đại có sự khó khăn rất lớn, đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng lao động nông thôn, nhất là nâng cao năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm và khát khao của nông dân.
Từ thực tế hoạt động, với những kết quả đã đạt được và những vấn đề đang đặt ra, Hội NDVN cần phải đổi mới một cách cơ bản cả về nhận thức và tổ chức, phương thức hoạt động. Đối với nhận thức, phải nhìn thẳng vào thực tế hiện nay và trả lời cho được câu hỏi nông thôn, nông dân đang cần gì. Thực tế cho thấy, nông dân đang cần được đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hiện đại bền vững thì Đảng và Nhà nước ta phải lãnh đạo nhằm thực hiện cho được bốn mục tiêu cốt yếu: Một là, đào tạo nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Nông dân muốn làm chủ được nền nông nghiệp hiện đại sẽ phải là người sử dụng máy móc rất thành thạo, có trình độ hiểu biết cao về nông nghiệp và kinh tế, thậm chí họ phải là người có học thức cao. Có khả năng ứng dụng thành thạo kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao chất lượng, sản xuất nông nghiệp. Hai là, nông dân phải là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn, có lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ba là, nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với những công sức và những đóng góp đối với đất nước. Bốn là, nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.
Chia sẻ tại Hội thảo về “Định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn trong thời kỳ mới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Định hướng của ngành là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Trong đó, ngành sẽ cân đối các nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững như: Tài nguyên đất, nước, lao động. Định hướng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị của 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực sản xuất theo vùng kinh tế - xã hội, vùng sinh thái, nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển nông nghiệp thông minh bền vững qua video clip giới thiệu những thành tựu vượt trội tại Israel “Nghĩ về nông nghiệp, hãy nghĩ về Israel”. Theo Đại sứ, có được thành quả nông nghiệp đó là nhờ những khó khăn, thiếu thốn của đất nước Israel. Với 1/2 diện tích là cát, đất đai bán khô cằn, thiếu nước nghiêm trọng, Israel đã phát triển được tất cả là nhờ công nghệ để khắc phục những khó khăn trên. Chính phủ Israel đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển (R&D). Gần như toàn bộ xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đều mong muốn thành doanh nhân (startup của Israel năm 2018 hơn 400, với 143 triệu USD vốn đầu tư). Các doanh nghiệp này đều cố gắng tìm ra vấn đề chưa được giải quyết của đất nước để khắc phục và mang lại sự thịnh vượng chung cho quốc gia.
Đại sứ cũng giới thiệu Hệ sinh thái nông nghiệp độc đáo của Israel với mối quan hệ đa chiều, hỗ trợ qua lại giữa các bên rất hiệu quả gồm: Người trồng trọt (gọi chung cho người sản xuất nông nghiệp sẽ nêu các vấn đề khó khăn đang gặp phải), dịch vụ mở rộng (các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp), R&D (gồm các Viện nghiên cứu về nông nghiệp, tập trung các chuyên gia giỏi nhất của đất nước luôn đón nhận các vấn đề đưa đến), ngành nông nghiệp (đứng sau hỗ trợ các bên). Đại sứ bày tỏ với điều kiện thuận lợi về phát triển nông nghiệp và định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của Việt Nam, Israel rất mong muốn hợp tác.
Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Alexandre Bouchot chia sẻ kinh nghiệm phát triển và lương thực bền vững tại Phát: Theo đó, Pháp đã chuyển dịch từ nông nghiệp sang ngành lương thực, thực phẩm trong những năm gần đây. Để có được kết quả đó, Pháp phải giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp như: Hiệu quả xã hội - kinh tế - môi trường.
Điểm nổi bật nhất trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Pháp là huy động được sự tham gia của tất cả các bên, từ người sản xuất, người tiêu dùng, nhà giáo dục… Để có sự hợp tác giữa người nông dân – doanh nghiệp – nhà nghiên cứu, Pháp đã ban hành “Luật thúc đẩy cân bằng quan hệ thương mại trong ngành nông nghiệp – lương thực và thực phẩm tốt cho sức khỏe, bền vững”. Luật đã có những quy định cải thiện luật cạnh tranh, bảo vệ giá cả của người tiêu dùng, không ai được bán dưới mức quy định, giúp nhà doanh nghiệp, nông dân yên tâm sản xuất. Luật cũng quy định về hợp đồng bao tiêu sản phẩm, do vậy các doanh nghiệp đã đặt hàng nông dân sản xuất cho mùa vụ năm sau.
Pháp cũng có các yếu tố đặc thù về mô hình kinh tế nông nghiệp như các quy định về bảo vệ môi trường; tuân thủ các luật chung của liên minh châu Âu (EU), đồng thời thúc đẩy khái niệm về sản xuất sinh thái (thuộc chuỗi cung). Được hưởng thành quả của cách mạng công nghiệp trong 60 năm qua, hiện Pháp đang thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, đầu tư vào cải tạo hệ sinh thái nông nghiệp như: Phương pháp canh tác vừa giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa áp dụng các phương pháp cải tạo đất đai. Chính sách của nông nghiệp hữu cơ là các nhà hàng phải cung cấp 50% thực phẩm hữu cơ, 50% phi hữu cơ (50-50), đồng thời cân bằng phúc lợi xã hội cho người nông dân.
Sau năm 1980, Pháp nhận ra sản xuất nông nghiệp thôi là chưa đủ, phải nhìn vào môi trường, thị trường bên ngoài mới giúp ngành nông nghiệp phát triển được. Do vậy Pháp lựa chọn bắt đầu từ chính người nông dân, thay đổi cả thế giới bên ngoài lĩnh vực nông nghiệp gia đình. Tất cả các gia đình làm nông nghiệp ở Pháp bây giờ đều là doanh nhân, chủ động quyết định sản xuất và kiến tạo quá trình thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường, đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm… Các chính sách của Chính phủ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đất đai, như ngành sản xuất rượu đón nhận rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến mua đất, sản xuất rượu, với các ưu đãi về thuế. Những nơi nào sản xuất hiệu quả Nhà nước sẵn sàng chuyển đổi, tạo điều kiện vay vốn dễ dàng cho người nông dân. Về sản xuất sữa, nếu nông dân đầu tư 2 triệu Euro (mức đầu tư vừa phải), chính sách tín dụng ưu đãi rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, Pháp hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, tạo điều kiện cho người nông dân đến trường để học kiến thức mới, giúp nông dân ngày càng nâng cao nhận thức, năng suất cao, ý thức thân thiện môi trường. Người nông dân tham gia toàn bộ hệ thống nghiên cứu. Về tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước Pháp cố gắng hướng dẫn, trang bị cho người nông dân có năng lực dự báo thị trường và đưa ra các cảnh báo, giá cả thị trường.
Thay đổi toàn bộ hệ thống, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang đa chức năng
Trong phần tọa đàm, trả lời câu hỏi Hội ND cần phải có đột phá ở khâu nào để thay đổi nếp sống, cách nghĩ của người nông dân để trở thành người nông dân hiện đại, Phó Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết Hội tập trung vào bốn nội dung chính gồm: Thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị; dạy nghề; hỗ trợ vốn, khoa học và công nghệ, cách quản lý; cơ chế, chính sách để cho người nông dân được hưởng thụ xứng đáng.
Với câu hỏi Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp, vậy đâu là yếu tố cản trở chính để Việt Nam chưa vươn lên được, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Những tồn tại thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam một là tuy có tiến bộ nhưng xuất phát điểm thấp, quy mô hộ gia đình, có ứng dụng một số công nghệ cao, tuy nhiên hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn xa; hai là tư tưởng vẫn chưa chuyển từ canh tác truyền thống sang hiện đại được bao nhiêu; ba là môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách đã thay đổi nhiều nhưng còn phải tháo gỡ, từ luật giải quyết căn cơ vấn đề như bảo hiểm, thị trường về quyền sử dụng đất để giải quyết vấn đề tích tụ đất đai; bốn là thị trường trong nước còn chưa tuân theo thông lệ quốc tế, gặp rất nhiều tiềm ẩn rủi ro, rào cản thương mại phi thế quan, nếu Việt Nam chưa làm tốt công tác dự báo thị trường thì gặp rất nhiều khó khăn, không phải mặt hàng nào chúng ta cũng có thế thắng nên phải chọn m ặt hàng có lợi thế; năm là tác động của biến đổi khí hậu, năng lực của Việt Nam thích ứng còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra 8 giải pháp tái cơ cấu, 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trọng tâm là xây dựng, nâng cao chuỗi giá trị, không chỉ làm một chiều mà phải có sự chia sẻ trách nhiệm giữa các bên, áp dụng quy trình sản xuất tốt, quy chuẩn phổ biến về an toàn trong sản xuất, cùng với ứng dụng công nghệ sản xuất trong bảo quản và chế biến mới được nâng cao giá trị nông sản; hai là, ứng dụng khoa học và công nghệ cao đi tắt đón đầu như công nghiệp 4.0, đây là những giải pháp đột phá; ba là, làm tốt công tác dự báo thị trường, quy hoạch những mặt hàng chủ lực, xây dựng thương hiệu, gắn với cơ chế chính sách.
Bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định: Hội thảo đã làm sáng tỏ một bước nội hàm “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng”; chỉ ra những thành công và tồn tại để có những giải pháp đóng góp vào Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26. Những tồn tại, yếu kém này chính là dư địa để Việt Nam tiếp tục phát triển. Hội thảo đã nghe những kinh nghiệm quốc tế, thấy được thông điệp của đại sứ Israel trong khó khăn thì sáng tạo sẽ lan tỏa, nhất là những sáng kiến, kinh nghiệm của Pháp trong việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang đa chức năng. Sau Hội thảo này, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu ý kiến và báo cáo, kiến nghị các vấn đề với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nguồn: Hoinongdan.org