Xây dựng phát triển nông thôn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại- Bài 2 (07/11/2018)
Xây dựng phát triển nông thôn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển để phù hợp với điều kiện mới. Để bảo đảm tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra nguồn thực phẩm có chất lượng phục vụ thị trường, Bình Dương đã lựa chọn hướng đi cho ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Cho đến nay, hướng đi này đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi da xanh của ông Lê Văn Xê, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: C.SƠN
Hướng đi phù hợp
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập huyện Phú Giáo đã có thời gian hơn 1 năm trồng cây dưa lưới. Trước đây, ông Hoàng sinh sống tại phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát và có vườn cao su đang cho khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây khi giá mủ cao su xuống thấp, cây cao su không bảo đảm tốt cho thu nhập, ông tìm đến vùng đất Tam Lập để xây dựng mô hình trồng dưa lưới với diện tích gần 2.000m2. Chính cách lựa chọn này đã mang lại cho ông nguồn thu đáng kể. Ông Hoàng chia sẻ, việc chuyển từ trồng cao su - cách thức canh tác khá đơn giản sang trồng cây dưa lưới phải xây dựng nhà bạt, hệ thống tưới nước, tưới phân định vị, ghi nhật ký sản xuất lúc đầu làm cho ông cũng khá bỡ ngỡ, nhưng dần dà ông quen tay, đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ nên đến nay mô hình sản xuất của ông đã ổn định và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Hoàng nói: “Làm nông nghiệp thì phải vất vả, nhưng biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ hạn chế được những rủi ro trong sản xuất và mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân”. Không riêng gì ông Hoàng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những nông dân ở khu vực đô thị thì chọn các mô hình không đòi hỏi quỹ đất lớn như trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá cảnh. Còn với những nông dân ở khu vực phía bắc của tỉnh với quỹ đất lớn đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang hiệu quả kinh tế cao như các trang trại trồng cam, bưởi, quýt, nấm, các trang trại heo lạnh, gà lạnh.
Trên lĩnh vực trồng trọt, nông dân trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ tự động hóa chuyển giao từ Israel, xử lý ra hoa trái vụ, áp dụng quy trình VietGAP. Với lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại của nông dân được đầu tư với quy mô lớn, xây trại lạnh với hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng thảm chăn nuôi sinh học vì vậy đã hạn chế thấp nhất dịch bệnh, hướng vào sản xuất hàng hóa lớn. Ông Võ Tuấn Kiệt, chủ cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một là người tiên phong trong tỉnh với mô hình nuôi cá dĩa. Hơn 10 năm trước, qua nhiều kênh thông tin và tiếp xúc thực tế, ông nhận thấy mô hình nuôi cá dĩa phù hợp với điều kiện của gia đình đô thị có ít đất như ông và có thể làm giàu. Với quy mô ban đầu chỉ 3 hồ nuôi với 20 con cá dĩa, đến nay, cơ sở nuôi cá dĩa của ông đã tăng lên 500 hồ nuôi. Thành công trong nuôi cá dĩa đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ông với trên 100 triệu đồng/ tháng, trung bình mỗi năm ông Kiệt có nguồn thu hơn tỷ đồng từ cá dĩa. Từ chỗ chỉ cung ứng sản phẩm cá dĩa cho các địa phương lân cận, đến nay thị trường cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú của ông Kiệt đã mở rộng ra Hà Nội, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước như: Singapore, Malaysia, Đài Loan… Ông Võ Tuấn Kiệt là một điển hình trong sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh.
Hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp đầu tư phát triển lĩnh vực này. Chính vì vậy, tuy tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm nhưng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp liên tục tăng, hiệu quả sản xuất của các mô hình sản xuất nông nghiệp được bảo đảm, thu nhập của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Trong nửa nhiệm kỳ qua, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả khả quan. Với những chính sách hỗ trợ phát triển đúng đắn của tỉnh, nhiều nông hộ, trang trại đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hình thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị của tỉnh từng bước được hình thành và phát triển. Tính đến tháng 9-2018, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của tỉnh là khoảng trên 2.700ha, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng gần 130ha. Trong khi đó, các khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 979,66ha đang được các chủ đầu tư nỗ lực phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư được phê duyệt. Hiện nay các khu đang đi vào hoạt động với tổng vốn đã đầu tư lũy kế đạt 911,61 tỷ đồng. Một số mô hình sản xuất trong các khu này đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với mức bình quân của tỉnh.
Việc hình thành nên các mô hình sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ước tính, giá trị sản xuất bình quân của ngành nông nghiệp trong năm 2018 là 95 triệu đồng/ha/năm. Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến… Qua đó, trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã hình thành thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Việc ứng dụng các kỹ thuật cao vào sản xuất đã làm cho năng suất các mô hình tăng từ 5 - 10%, chất lượng các mặt hàng nông sản ngày càng được nâng cao, từng bước hình thành được một số thương hiệu nông sản tại một số vùng sản xuất và có đầu ra ổn định.
Với những định hướng, chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ đúng đắn của tỉnh, ngành nông nghiệp Bình Dương đang được tái cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản xuất. Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương đã có những bước đi vững chắc và đang hướng đến việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cung cấp những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, qua đó, thu nhập của người nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục được nâng lên.
Nguồn: baobinhduong.vn