Vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong thực hiện phòng chống Bạo lực gia đình ở nông thôn (31/10/2018)
Vai trò nòng cốt của Hội Nông dân
Trong công tác phòng chống “Bạo lực gia đình” ở nông thôn.
Đ/c Nguyễn Thị Tuyết Nhung,(Đứng thứ 11 từ trái qua), PCT tỉnh Hội nhận khen thưởng tại Hội nghị
Có thể nhận thấy tình hình BLGĐ nói chung và bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái nói riêng vẫn còn rất phức tạp. Ở nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn còn thờ ơ với BLGĐ, coi đó là việc của từng cá nhân, phải đóng cửa bảo nhau, khi thấy hàng xóm có BLGĐ cũng không can thiệp, góp ý. Không ít người sợ “xấu chàng hổ thiếp” nên che giấu.
Thậm chí trong gia đình, dòng tộc xảy ra vụ chồng đánh vợ tử vong, nhưng cả nhà, cả họ hàng đều che giấu pháp luật vì cho rằng người chết đã chết rồi, báo công an lại thêm người thân phải đi tù. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy trách nhiệm của mình trong việc phòng chống BLGĐ. Không phải chỉ giữ gìn hạnh phúc gia đình mình mà còn cần có trách nhiệm tố cáo, lên án BLGĐ ở xóm làng. Khi BLGĐ mới manh nha cần phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng để dập tắt BLGĐ sớm, tránh để leo thang thành các vụ việc nghiêm trọng.
Trước đây, nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo nhiều cấp đều cho rằng phòng chống BLGĐ là của phụ nữ, tác động vào phụ nữ. Thực tế, nam giới là người gây BLGĐ cũng cần được giúp đỡ để nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ làm chồng, làm cha và hiểu rằng đánh vợ con là vi phạm pháp luật.Họ cũng cần được cung cấp các kỹ năng giải toả các cơn nóng giận để không trút bực tức lên vợ con.
Đồng thời, nam giới có chung tiếng nói nên dễ vận động nhau nói không với bạo lực, thay đổi quan niệm gia trưởng. Nam giới cũng là lực lượng hữu hiệu để can thiệp các vụ BLGĐ. Nếu có vụ việc chồng đánh vợ xảy ra thì phụ nữ khó mà vào can thiệp, ngăn cản. Trong đó, nam giới có sức mạnh để can thiệp hiệu quả.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
Với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, đó là Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống; Xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi tổ, câu lạc bộ nghề nghiệp, hội thảo đầu bờ…Hiện nay tổ chức Hội đã thành lập được 276 mô hình câu lạc bộ các loại với trên 9.450 thành viên thường xuyên sinh hoạt.
Trên cơ sở Đề án của TW Hội Nông dân về”Giảm thiểu tình trạng BLGĐ tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015-2020”. Tỉnh Hội đã xây dựng và được UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án của TW Hội giai đoạn 2016-2020. Kết quả sau 3 năm từ 2016-2018, các cấp Hội đã tổ chức 7 hội nghị triển khai, tập huấn truyên truyền cho gần 1.000 lượt cán bộ hội viên nông dân dự; tổ chức 2 Hội thi”Kiến thức về phòng, chống BLGĐ”, cung cấp 18.000 tờ gấp truyên truyền đến chi tổ và cơ sở Hội; phối hợp với cơ quan tư pháp tổ chức phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nông dân…; vận động cán bộ hội viên tham dự các lớp tập huấn mô hình phòng chống BLGĐ ở xã phường, thị trấn của các huyện thị thành phố trong tỉnh, tham gia thành viên CLB gia đình phát triển bền vững, tham gia nhóm tổ hòa giải ở cơ sở…
Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân; giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thực hiện vai trò giám sát, phát hiện và đề nghị các ngành chức năng có liên quan xem xét, xử lý kịp thời các trường hợp bạo lực gia đình.
Từ nhận thức bạo lực gia đình xảy ra với các gia đình nông dân chủ yếu do không làm chủ được bản thân mình trong lúc say xỉn, vì vậy các cấp Hội còn tập trung tuyên truyền về tác hại của rượu, bia cho hội viên, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, Kinh tế khó khăn cũng là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, Do vậy, trong thời gian nông nhàn không có việc làm, không có thu nhập, Hội còn tập trung dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ : trồng nấm, chăm sóc cây kiểng, trồng rau mầm… ; phối hợp đào tạo các nghề sửa xe gắn máy, may công nghiệp góp phần giúp hội viên tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Hàng năm, Hội đều phát động đăng ký danh hiệu gia đình nông dân văn hóa với kết quã bình xét đạt trên 98% gia đình hội viên nông dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.
Là một tổ chức Hội với trên 54.000 hộ hội viên nông dân, trong đó có rất nhiều nam giới, các cấp Hội nông dân luôn nhận định rằng công tác phòng chống BLGĐ là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, Hội nông dân các cấp thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về BLGĐ, kỹ năng ứng xử trong gia đình, ứng xử khi mâu thuẫn giữa các thành viên; phương pháp, kỹ năng tư vấn hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, ngăn chặn BLGĐ… cho cán bộ, hội viên.
Qua tập huấn, các cán bộ hội sẽ là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, hội viên ND, giúp người dân có nhận thức cao hơn về BLGĐ. Từ chuyển biến nhận thức chuyển đổi thành hành vi. Họ đã bước đầu có can thiệp trong nội bộ, hàng xóm, họ hàng, lên tiếng bảo vệ nạn nhân, giúp đỡ nạn nhân tránh được bạo lực…
Được biết thời gian tới, Trung ương Hội ND sẽ hướng dẫn thực hiện thí điểm thành lập các mô hình câu lạc bộ phòng chống BLGĐ trong Hội ND; trong đó nam giới có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên thực tế cho thấy sự tham gia của nam giới trong các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy, thời gian qua Hội Nông dân các cấp đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền với quy mô lớn, bài bản nhằm vào đối tượng là nam giới với mục tiêu khuyến khích họ phát huy vai trò trong việc vun đắp, xây dựng một gia đình hạnh phúc, một gia đình không bạo lực.
Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tích cực phối hợp với Hội Phụ nữ để tang cường thực hiện những hoạt động có quy mô lớn hơn, tính chất bền vững hơn. Phấn đấu có nhiều diễn đàn hấp dẫn nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình bằng việc thành lập các mô hình thú vị như “CLB những người chồng yêu vợ”, “CLB không đánh vợ”…Nhằm hướng đến mục tiêu khiến cho nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây bạo lực nữa mà là những người bảo vệ, xây dựng hạnh phúc gia đình.
Đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn truyền thông về công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên nông dân mà Đối tượng chủ yếu được lựa chọn là nam giới và các cuộc tập huấn được tổ chức theo hình thức diễn đàn có nội dung “Đàn ông đích thực nói không với bạo lực gia đình”, “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và em gái”, “Vai trò, trách nhiệm của nam giới đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình” để tạo sức hút mạnh mẽ đối với học viên./.
Hữu Vinh