Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua bán bất động sản
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều người dân bị lừa trong buôn bán bất động sản, điển hình vụ việc sau: Cuối năm 2018 gia đình anh Đỗ Văn Nhất mua một lô đất thuộc lô D1 – ô10 trong dự án Khu dân cư An Điền 1 với số tiền 460 triệu của Công ty địa ốc SP Land, nền đất diện tích 80m2. Trong hợp đồng cũng ghi rõ sau 9 tháng phía công ty phải bàn giao đất cho gia đình anh. Tuy nhiên, hết thời gian cam kết, công ty vẫn tiếp tục hứa hẹn, khất lần. Sau đó, anh cùng gia đình nhiều lần lên công ty để đòi tiền lại nhưng đại diện công ty chỉ hứa hẹn sẽ trả tiền. "Khi bị đòi nhiều quá, phía công ty làm một biên bản thanh lý hợp đồng trả lại số tiền mua đất. Nhưng đến thời điểm hiện tại phía công ty chỉ trả cho anh Nhất được 70 triệu đồng và hẹn anh Nhất lên gặp nhưng anh Nhất lên công ty không gặp ai, anh Nhất gọi điện thoại thì bên Công ty báo hứa vài tuần sẽ trả lại".
Thủ đoạn của các đối tượng thường là qua cách thức bán hàng rất vòng vo. Đối tượng sẽ chào mời dưới nhiều hình thức, để dụ dỗ khách hàng nhưng không đưa ra được những thông tin cần thiết về dự án như hồ sơ pháp lý, thông tin đầu tư hoặc diện tích, thông tin diện tích của dự án dành cho người mua. Khi khách hàng yêu cầu họ cung cấp, khách hàng sẽ nhận được các câu trả lời như là thông tin mật nên không thể công bố tùy tiện, để một thời gian họ sẽ cung cấp. Qua vụ việc trên, khuyến cáo người dân khi giao dịch các tài sản có giá trị lớn như đất, nhà và các tài sản khác cần chú ý tính pháp lí, có giấy tờ đầy đủ, kiểm tra thông tin trước khi giao dịch, không nên nghe lời của nhân viên giao dịch, ngoài ra cần kiểm tra qua tiếp xúc với người dân gần vị trí mình muốn mua hoặc chính quyền địa phương để được giải quyết kịp thời.
Phá kính ô tô trộm cắp tài sản
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ phá kính ô tô để trộm cắp tài sản, lợi dụng sơ hở đường vắng, không ai trông xe các đối tượng đã nhanh chóng đập kính lấy đi tài sản bên trong xe một cách nhanh chóng. Vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ sau:
Ngày 28,29/6/2020 và ngày 16,17/7/2020, trên địa bàn phường Hiệp Thành, phường Hòa Phú, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một liên tiếp xảy ra 04 vụ trộm cắp tài sản với phương thức, thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người dân trong việc bảo quản tài sản trên phương tiện xe ô tô dùng vật sắc nhọn đập vỡ kính xe ô tô trộm cắp tài sản. Thiệt hại ước tính khoảng 900 triệu đồng, 01 điện thoại di động hiệu OPPO, 01 laptop hiệu Macbook air trị giá 1.225 đô la Mỹ, tiền mặt 1.000 đô la Mỹ.
Qua một số vụ việc xảy ra gần đây cho thấy thủ đoạn các đối tượng thường lang thang trên các tuyến đường có nhiều xe ô tô dừng đỗ, lợi dụng sơ hở của bị hại không trông giữ xe, đường vắng qua lại và dùng công cụ đập vỡ cửa kính lấy tài sản của gia chủ để trong xe. Hoạt động của các đối tượng này thường diễn ra ban đêm và rạng sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ để thực hiện hành vi phạm tội, lợi dụng gia đình không có chỗ để ô tô và thường đỗ xe trên vỉa hè, trước cửa nhà, không có người trông giữ, rồi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trong xe ô tô. Thủ đoạn trên cho thấy các đối tượng gây án rất đơn giản, diễn ra nhanh, vì vậy người dân cần có biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó, khi có ý định dừng đỗ xe để thực hiện bất cứ việc gì, chủ sở hữu phương tiện lưu ý không để xe ở nơi vắng, khuất tầm quan sát và không có người trông giữ. Đặc biệt, không nên để trong xe ô tô một số lượng tiền và tài sản có giá trị lớn mà không có người trông coi.
Để bảo vệ tài sản trong xe, chủ xe phải luôn có ý thức bảo vệ tài sản của mình bằng cách hạn chế đỗ xe ở những nơi vắng vẻ. Bởi địa hình vắng vẻ rất thuận lợi cho những đối tượng trộm đồ trong xe chuyên nghiệp hoạt động. Ngoài ra, không để chìa khóa phụ cũng như các đồ vật có giá trị hay giấy tờ xe trong ô tô khi rời xe quá lâu. Những đồ vật này sẽ kích thích lòng tham của những đối tượng trộm và tạo điều kiện cho chúng dễ dàng lấy cắp hơn. Nhất là những ví tiền, túi xách, điện thoại (thương hiệu) không nên để trong xe và phải trang bị cho xe những vật dụng an toàn khi muốn để đồ trong xe.
Lắp camera giám sát trên xe, báo động an ninh và truyền dữ liệu về điện thoại cá nhân. Thông báo ngay cho lực lượng Công an khi phát hiện có nghi vấn về tội phạm. Đồng thời các chủ kinh doanh, bãi giữ xe, nhà trường có trách nhiệm tổ chức bảo vệ giữ xe ô tô cho khách và thường xuyên nhắc nhở cảnh báo cho chủ phương tiện hoặc người điều khiển ô tô không để tài sản có giá trị trong xe ô tô.
Tín dụng đen (cho vay qua ứng dụng trên điện thoại)
Trong khoảng thời gian qua, Bộ Công an vừa triệt xóa thành công một nhóm người Trung Quốc hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua ứng dụng trên điện thoại di động (gọi tắt "app"). Nhóm này thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật công ty rồi tạo ra app cho vay tiền trực tuyến như "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" với lãi suất lên đến 1600%/năm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhóm này đã cho vay 100 tỷ đồng qua 3 ứng dụng trên, với khoảng 60.000 giao dịch.
Thực tế nhận thấy rằng, số người dân không tiếp cận được với kênh dịch vụ tài chính chính thức, dù có nhu cầu rất lớn về vay vốn. Đặc biệt các khoản vay tiêu dùng quy mô nhỏ hiện nay đang bị các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng bỏ qua và đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen trục lợi. Khi các đối tượng, băng nhóm hoạt động tín dụng đen bị triệt phá nhiều bên ngoài xã hội, những đối tượng, băng nhóm này đã nhanh chóng chuyển qua hoạt động trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và còn tàn khốc hơn trước. Đa số các nạn nhân của dịch vụ cho vay qua app tín dụng đen đều khó có thể thoát ra khi đã vướng vào bẫy, từ đó phát sinh rất nhiều hệ lụy tiêu cực trong xã hội.